MẤY SUY NGHĨ VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO – GIẢNG DẠY TRIẾT HỌC TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

MẤY SUY NGHĨ VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO – GIẢNG DẠY TRIẾT HỌC TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

 

NGUYỄN THÁI SƠN (*)

 Phân tích thực trạng giảng dạy triết học trong các trường đại học ở nước ta hiện nay, tác giả cho rằng, nhìn vào chương trình, phương pháp giảng dạy, cách thức tổ chức dạy học, có thể nói, còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục suy nghĩ, giải quyết. Cấu tạo chương trình triết học, đặc biệt là trong Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin còn chứa đựng khá nhiều điều bất cập. Phương pháp giảng dạy cũng có nhiều bất cập. Để nâng cao chất lượng đào tạo – giảng dạy triết học, theo tác giả, cần phải gắn triết học với các khoa học chuyên ngành, với thực tiễn sinh động của thời đại và xã hội; cần phải nhanh chóng đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên triết học và tăng cường cơ sở vật chất cho việc giảng dạy và học triết học.


Ngay từ thời cổ đại, triết học đã xuất hiện ở tất cả những quốc gia, khu vực có nền văn minh phát triển. Lịch sử văn minh nhân loại đã khẳng định rằng, ở đâu có triết học thì ở đó có văn minh và ngược lại, ở đâu có văn minh thì ở đó có những yếu tố, những điều kiện thuận lợi thúc đẩy triết học xuất hiện và phát triển.

Lịch sử của tất cả các ngành khoa học cũng chứng tỏ rằng, nhiều nhà khoa học lỗi lạc, có những phát minh, đóng góp quan trọng đối với nhân loại thường đồng thời là những nhà triết học xuất sắc. Ngược lại, nhiều nhà triết học lớn cũng thường đồng thời là những nhà khoa học nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực.

Lịch sử phát triển của nhân loại cũng đã cho thấy không có lý do gì để nghi ngờ mối liên hệ mật thiết giữa tư duy triết học và sự phát triển của xã hội. Xã hội càng phát triển thì càng có cơ sở cho tư duy triết học phát triển. Và dĩ nhiên, khi tư duy triết học được thúc đẩy đến những đỉnh cao thì điều đó lại càng góp phần mạnh mẽ thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của xã hội. Lịch sử của các thời đại, của các nền văn minh lớn của nhân loại đã khẳng định điều này một cách rõ ràng. Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của thời đại thì không thể không có sự phát triển về mặt tư duy lý luận nói chung, tư duy triết học nói riêng. Trong Biện chứng của tự nhiên, Ph.Ăngghen đã từng lưu ý điều này: “Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”, nhưng(*)“tư duy lý luận chỉ là một đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của người ta mà có thôi. Năng lực ấy cần phải được phát triển hoàn thiện, và muốn hoàn thiện nó thì cho tới nay, không có một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời trước”(1).

Trong thời đại ngày nay, thời đại của khoa học và công nghệ hiện đại, thời đại của kinh tế tri thức, của toàn cầu hoá, quốc tế hoá, của hội nhập và mở cửa, của những trào lưu và xu hướng tiến bộ đang nảy nở và bùng phát trên khắp hoàn cầu thì tri thức triết học và tư duy triết học lại ngày càng có vai trò hết sức quan trọng. Những giá trị chung của nhân loại, như tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng, bác ái… thường gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của triết học và tư duy triết học. Những thành tựu, những giá trị đạo đức mang tính vĩnh hằng, vĩnh cửu cũng thường chỉ nảy nở, xuất hiện, tồn tại và phát triển trong những môi trường xã hội mà ở đó, tri thức triết học và bản thân triết học được tôn vinh, được đối xử một cách nghiêm túc, trọng thị. Một môi trường không có triết học, tư duy triết học thấp kém cũng chính là một môi trường thiếu đạo đức và văn hóa, điều đó đồng nghĩa với sự lạc hậu, với sự tăm tối về tâm hồn, yếu đuối về thể xác.

Đất nước ta có truyền thống bốn nghìn năm lịch sử, có văn hóa phong phú, đa dạng, giàu sức sống, có bề dày về tư tưởng, có bản lĩnh vững vàng trước những khó khăn thử thách của lịch sử. Dân tộc ta có nhiều thứ, nhưng trong một chừng mực nào đó và xét trong những hoàn cảnh lịch sử – cụ thể, người Việt Nam còn thiếu sự độc lập về tư duy triết học, còn thiếu những triết gia có tầm cỡ nhân loại. Có những giai đoạn, có những lúc, những nơi triết học chưa được hiểu một cách đúng nghĩa, chưa được đối xử một cách công bằng và thiếu sự trọng thị. (1)

Xuất phát từ những lý do trên, có thể nói rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào, triết học và tư duy triết học cũng đều có vai trò và tầm quan trọng hết sức đặc biệt. Do đó, để thúc đẩy sự phát triển xã hội, chúng ta phải luôn chú trọng đến sự phát triển của triết học, phải thường xuyên tạo ra những yếu tố, những điều kiện thuận lợi trên mọi phương diện cho sự nảy nở và phát triển của triết học và tư duy triết học. Một trong những yếu tố tiên quyết đó là chúng ta phải kịp thời đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của khoa học triết học trong thời gian trước mắt và tương lai lâu dài. Đồng thời, theo chúng tôi, cũng đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá hiệu quả của công tác đào tạo, giảng dạy triết học tại các trường đại học trong giai đoạn hiện nay.

Trong thời gian qua, việc dạy và học triết học tại một số trường đại học đã mang tinh thần, hơi thở của không khí đổi mới và đã có những khởi sắc đáng kể. Triết học ngày càng khẳng định được vị trí độc lập, giáo trình đã phong phú, sâu rộng hơn trước nhiều, nội dung đã có những điều chỉnh và cải tiến đáng kể. Trong kết cấu thời gian, một thời lượng đáng kể dành cho thảo luận đã được đặt ra. Nhờ hoạt động này mà phần đông sinh viên đã nhận rõ vai trò, tác dụng của triết học và đối xử với môn học này bằng thái độ tôn trọng hơn, khoa học hơn.

Trong những năm qua, đội ngũ giáo viên triết học cũng được quan tâm, chú trọng bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ, phương pháp giảng dạy. Số giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Do vậy, việc giảng dạy triết học gần đây đã có những biến đổi đáng kể về chất lượng.

Tuy nhiên, nhìn vào chương trình, phương pháp giảng dạy, cách thức tổ chức dạy học, chúng ta thấy nổi lên một số vấn đề cần phải tiếp tục suy nghĩ, giải quyết.

Thứ nhất, cấu tạo chương trình triết học trong các trường đại học hiện nay (đặc biệt là trong Giáo trình “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin”) đang chứa đựng khá nhiều điều bất cập. Trong những năm qua, Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng như các trường đại học đã cố gắng tiến hành nhiều đợt đổi mới, chú trọng công tác biên soạn giáo trình, tài liệu, huy động trí tuệ, chất xám của nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học Mác – Lênin với hy vọng có những thay đổi với chất lượng ngày càng cao hơn. Nhưng có thể nói rằng, với chương trình hiện nay, triết học vẫn chưa được hiểu một cách toàn diện và đúng nghĩa. Tại một số trường và cơ sở đào tạo có khoa triết học, chỉ có sinh viên chuyên khoa triết học mới được học tập và nghiên cứu triết học một cách tương đối đầy đủ. Còn hầu như sinh viên, học viên cao học của tất cả các ngành không chuyên triết học đều chỉ được tiếp xúc với một phần rất ít ỏi của một nền triết học cụ thể, đó là Triết học Mác – Lênin với thời lượng khoảng hai đơn vị học trình (hoặc là hai tín chỉ, tương đương 30 tiết học, bao gồm cả lý thuyết lẫn thảo luận – cho chương trình đại học), và sáu đơn vị học trình (90 tiết – cho chương trình cao học). Điều đáng buồn là ngay cả Triết học Mác – Lênin hiện nay cũng đã bị “lồng ghép” với Kinh tế chính trị, với Chủ nghĩa xã hội khoa học thành một môn học với cái tên gọi khá trừu tượngrất khó hiểu là “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin”. Chương trình này không chỉ mới thiên về một nền triết học cụ thể (nhưng vẫn chưa phải là đầy đủ, nếu không nói là nhiều chỗ còn bị cắt xén một cách tuỳ tiện), mà còn chưa giới thiệu được quá trình phát triển tư tưởng triết học của nhân loại. Giá như ở đây, phần lịch sử triết học được đề cập nhiều hơn, được làm đậm nét hơn thì hiệu quả của công tác đào tạo, giảng dạy triết học sẽ cao hơn nhiều. Trong bối cảnh hiện nay, lịch sử triết học cần phải được đặt ra như một hướng tiếp cận mới trong giảng dạy và đào tạo triết học. Thực ra, đây mới chỉ là một ví dụ trong rất nhiều vấn đề cần giải quyết để tạo cho người học những góc nhìn đầy đủ hơn, chính xác hơn về vai trò và bản chất của triết học. Rõ ràng là, vấn đề đầu tiên của môn triết học, vấn đề xây dựng chương trình, chắc hẳn vẫn còn nhiều điều cần phải bàn bạc, thảo luận để hướng tới việc điều chỉnh, bổ sung nhằm xây dựng một chương trình thực sự khoa học và hoàn thiện.     

Thứ hai, cũng như nhiều bộ môn khoa học khác, từ nhiều năm nay, triết học được áp dụng cách dạy truyền thống là thuyết trình, thầy diễn giảng, học viên nghe và ghi chép. Đó là cách truyền thụ mang tính cổ điển. Người thầy đóng vai trò như là một “cuốn sách”, truyền đạt lại một cách trực tiếp kiến thức và sinh viên phải ở trong tâm thế tiếp thu một cách thụ động. Điều đó dẫn đến sự hạn chế khả năng chủ động, sáng tạo của học viên. Phương pháp này đã làm hao phí nhiều thời gian và sức lực của người thầy và gây ra sự mệt mỏi, chán chường cho người học, làm cho không khí của giờ học trở nên nặng nề, hiệu quả cần đạt tới chưa thật cao.

Thực ra, đối với việc giảng dạy triết học, việc áp dụng phương pháp thuyết trình có lẽ cũng là một trong những cách thức cơ bản và chủ yếu, bởi tính trừu tượng hoá, khái quát hoá rất cao của môn học đòi hỏi cả người dạy lẫn người học đều phải có năng lực tư duy trừu tượng ở mức độ cao. Hơn nữa có rất nhiều vấn đề triết học không thể cụ thể hoá, đơn giản hoá một cách tầm thường và do vậy, cách thức hay nhất vẫn là thuyết trình một cách sống động và có sức thuyết phục. Đặc biệt, trong hoàn cảnh, điều kiện dạy và học ở nước ta hiện nay, thiết nghĩ, đây có lẽ đang là vấn đề bất khả kháng. Tuy nhiên, điều đáng nói là, ngay bản thân phương pháp nói, nghe, ghi hiện nay nhiều lúc trong tổ chức dạy và học vẫn còn những điều bất cập. Dạy học theo cách nói nghe mà người học không nghe được, không lĩnh hội được một cách đầy đủ, hệ thống những điều thầy nói thì nói gì đến sự ham mê, hứng thú và chất lượng ở người học. Những năm gần đây, việc tổ chức lớp học nhiều khi được làm quá ẩu, thiếu sự tính toán một cách khoa học. Nhiều lớp học được tổ chức với quy mô vài trăm người trong điều kiện âm thanh không đảm bảo khiến sự chệch choạc thường nảy sinh từ đó.

Nhiều người cho rằng, nhà trường hiện đại có thể tổ chức những lớp học lớn, thậm chí đông đến hàng ngàn người. Điều đó là cần thiết và chỉ đúng trong một hoàn cảnh nhất định nào đó. Nó chỉ phù hợp trong những điều kiện và phương tiện đặc biệt. Trong tính phổ biến, lớp học tốt nhất phải là lớp học nhỏ, lớp học mà ở đó, mạch thông tin giữa thầy và trò được nối liền một cách thường xuyên và đầy đủ. Việc các môn chung, đặc biệt là môn triết học, được tổ chức lên lớp đại trà không phải là một cách làm hay. Môn chung chứ không phải là học chung. Vị trí môn triết học có được khẳng định hay không một phần liên quan đến cách tổ chức lớp học. Thực tế cho thấy, lớp học chung và quá đông có ảnh hưởng xấu đến chất lượng học tập một cách trực tiếp.

Theo chúng tôi, hứng thú học tập môn triết học phụ thuộc nhiều vào cách dạy. Đồng ý rằng, phương pháp thuyết trình là phương pháp cơ bản, có hiệu quả và phù hợp với tư duy triết học. Nhưng cũng không nên xem đây là phương pháp độc tôn, duy nhất mà cần có sự phối kết hợp một cách hài hoà, sinh động và có hiệu quả với những phương pháp khác, đặc biệt là các phương pháp dạy học mới, mang tính tích cực nhằm phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo của người học. Từ đó đưa người học vào tâm thế chủ động tiếp thu kiến thức, tăng cường tính hấp dẫn của bài giảng và độ say mê của người học. Có như vậy mới có thể đạt tới những giờ giảng thiết thực và có hiệu quả cao.

Giảng triết học không thể dừng lại ở nguyên lý chung chung. Có thể khẳng định, hệ thống các ví dụ trong bài giảng triết học là hết sức quan trọng. Không có những ví dụ sinh động, những dẫn chứng cụ thể thì các nguyên lý triết học dù cao, sâu đến đâu cũng chỉ là những cành khô không nhựa sống. Điều này càng đúng ở nước ta, bởi người Việt Nam vốn ít có truyền thống tư duy triết học.

Triết học là hệ thống những quy luật chung, nhưng các quy luật chung đó phải được thể hiện trong những cái cụ thể. Nếu không, sẽ chẳng bao giờ triết học tự xác định được vị trí của nó. Cũng dễ hiểu khi chúng ta nhận thấy chất triết học sâu sắc, đầy sức thuyết phục ở nhiều nhà khoa học không thuộc chuyên ngành triết học. Tính biện chúng hiện lên rất rõ trong khi người ta không cao giọng nói về chủ nghĩa duy vật biện chứng. Sự thâm nhập đến mức trở thành máu thịt của triết học vào các khoa học khác đã tạo nên kết quả đó.

Rõ ràng là, cần phải tăng cường cải tiến phương pháp giảng dạy. Dạy học triết học cũng như dạy học nói chung cần có một lý luận về phương pháp soi sáng. Tuy nhiên, đối với triết học, không có phương pháp dạy học nào hay hơn chính sự ý thức về nội dung cần phải giảng dạy. Nói cách khác, bản thân khái niệm quy định hình thức biểu đạt cho nó. Tư tưởng này đã được chính V.I.Lênin gợi ra cho chúng ta, khi ông lưu ý đến một ý kiến sâu sắc của Hêghen rằng, “phương pháp là ý thức về hình thức của sự vận động bên trong của nội dung”.

Do vậy, trên một phương diện nào đó, chúng ta có thể nói, hãy tìm phương pháp  từ chính nội dung, vì vấn đề là ở chỗ anh ý thức được hay không “sự tự vận động bên trong của nội dung”, và như Hêghen nói: phương pháp không xuất phát từ nội dung là một điều vô lý, không thể hình dung được. Hãy nắm thật vững nội dung, thắt chặt các khái niệm, chúng ta sẽ có phương pháp. Không có phương pháp nhập ngoại, phương pháp hiệu nghiệm là chủ thể phải nắm được quy luật khách quan chi phối đối tượng rồi chọn những thao tác thích hợp để cải biến đối tượng. Nói cách khác, phương pháp là nắm vững quy luật và hành động theo quy luật. Tiêu chuẩn để phương pháp trở nên hiệu nghiệm là thống nhất, chân thực và đúng đắn.

Thứ ba, cần phải gắn triết học với khoa học chuyên ngành. Lâu nay chúng ta vẫn nói rất nhiều rằng, dạy triết học là nhằm trang bị cho sinh viên phương pháp luận để học các môn khoa học khác. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn rất ít người nghĩ đến việc phải gắn triết học với môn khoa học cụ thể như thế nào để đạt kết quả tốt nhất. Chúng ta vẫn thường dạy triết học như một môn khoa học riêng biệt không dính dáng gì đến khoa học chuyên ngành. Biểu hiện rõ nhất của điều này là ở chỗ, rất ít nơi và rất ít người quan tâm một cách cụ thể là dạy triết học cho khoa văn, dạy triết học cho khoa sử, dạy triết học cho khoa toán… sẽ khác nhau như thế nào? Thậm chí, người ta còn ghép sinh viên, học viên của nhiều khoa để cùng học chung môn triết học. Điều này có thể làm ở đối tượng khác, còn đối với sinh viên và học viên cao học, theo chúng tôi, nhất thiết phải phân biệt. (Xem tiếp>>>)